Có thể coi Gunter Behnisch là người tiên phong đại diện cho trường phái này. Triết lý sáng tác của nhóm có thể tổng kết một cách chính xác trong một phát biểu của Stefan Behnisch: "Trong thiết kế kiến trúc sinh thái, người ta thường phân biệt hai trường phái tư tưởng: đó là của Norman Foster với quan điểm sử dụng các ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề sinh thái; và của Soleri người nói “Không” với công nghệ. 

 src=

Nhóm của chúng tôi đặt mình vào giữa hai trường phái này mặc dù cá nhân tôi cảm thấy gần gũi hơn với đường lối của Soleri. Tôi không muốn thay đổi phong cách sống của chúng ta hoặc quay trở về thời kỳ đồ đá, nhưng nếu chúng ta chấp nhận một chút cái nóng trong mùa hè và cái lạnh trong mùa đông, sẽ không quá khó để đạt được tiện nghi nhiệt cho công trình và việc chúng ta cần thực hiện chỉ đơn giản là tuân theo những quy luật của tự nhiên".

Thiết kế kiến trúc sinh thái là xu hướng phát triển tiến bộ tất yếu của kiến trúc thế giới xong nó sẽ không thể trở thành kiến trúc quốc tế chung chung cho mọi quốc gia không đặc trưng, không bản sắc. Nhìn lại trào lưu kiến trúc hiện đại của những năm 60, 70 của thế kỷ trước, lúc đó, kiến trúc hiện đại phát triển tới đỉnh cao, tại hầu hết các quốc gia có nền kiến trúc phát triển đều hình thành cái gọi là xu hướng “kiến trúc quốc tế”, hay còn gọi là “kiến trúc nhảy dù”

 src=

Chúng xuất hiện khắp mọi nơi, chúng giống nhau cả về nội dung bên trong và hình thức bên ngoài, bất kể ở nơi đâu, Á hay Âu, trên núi hay dưới biển… Sau đó, kiến trúc Hậu hiện đại ra đời, đưa kiến trúc trở về với những giá trị văn hóa, thẩm mỹ trong quá khứ của kiến trúc bản địa, nhằm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.

Kiến trúc ngày nay đang lặp lại bước đi ấy theo chiều xoắn ốc của quy luật phát triển, nhưng ở mức độ cao hơn. Một “Thế giới phẳng” đem đến xu hướng kiến trúc hiện đại sinh thái hiện hữu tại các quốc gia trên thế giới. “Hiện đại” là yếu tố của kiến trúc quốc tế - còn “sinh thái” là yếu tố bản sắc đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Như đã nói ở trên “sinh thái” ở đây bao gồm sinh thái tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu, môi trường…) và sinh thái nhân văn (con người, văn hóa, xã hội…). Kiến trúc phản ánh một trong hai khía cạnh sinh thái tự nhiên hoặc sinh thái nhân văn đã đủ chứa đựng, khẳng định bản sắc, cái riêng của đất nước ấy, dân tộc ấy rồi. Nếu phản ánh được cả hai khía cạnh sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn thì đó là mục tiêu, là ước mong của giới kiến trúc sư trên toàn thế giới.

 src=

Như trên đã trình bày kiến trúc sinh thái là xu hướng tất yếu của thế giới trong thế kỷ 21 và điều đó cũng là câu trả lời duy nhất đúng cho định hướng kiến trúc Việt Nam. Chúng ta không thể lạc bước và cũng không thể quá tụt hậu trên con đường chung của kiến trúc thế giới. Đây là một công việc rất khó khăn, rất lâu dài, và rất có thể các thế hệ con cháu chúng ta mới có thể nhận dạng khuôn hình của nó, song sẽ không có ngày đó nếu ông cha của chúng không bắt đầu công việc từ bây giờ.

Nhìn lại lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, chúng ta không thể không tự hào với dòng kiến trúc dân gian chứa đựng những bài học kinh nghiệm mà ông cha ta để lại trong cách ứng xử với thiên nhiên khí hậu môi trường làm cơ sở tốt cho việc nghiên cứu phát triển kiến trúc sinh thái đơn giản ngày nay. Kiến trúc dân gian của Việt Nam chính là kho kinh nghiệm quý báu về giải pháp kiến trúc nhiệt đới. Bản chất của kiến trúc sinh thái là lấy môi trường làm trung tâm, môi trường - khí hậu là nhân tố chính để xây dựng những nguyên lý về kiến trúc bền vững. 

 src=

Nhân dân ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về xây dựng - kiến trúc nhiệt đới, từ chọn hướng nhà, bố cục và tổ chức khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, đào ao hồ, trồng cây xanh... để ngôi nhà phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhằm tạo cuộc sống phù hợp với tâm sinh lý và điều kiện kinh tế của người Việt. Những kinh nghiệm này không những giúp cải thiện điều kiện vi khí hậu mà còn góp phần tiết kiệm năng lượng. Có thể xem kiến trúc dân gian truyền thống là “kiến trúc xanh”, “kiến trúc sinh thái” trong nội hàm của nó đã bao gồm cả yếu tố phát triển bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế kỹ thuật của một nước đang phát triển mới thoát khỏi cận đói nghèo, việc tìm một hướng đi đúng đắn và tích cực cho nền kiến trúc nước nhà là vô cùng quan trọng. Đi đôi với việc phổ biến và khuyến khích giới KTS phát huy các giá trị di sản kiến trúc dân gian trong quy hoạch không gian và kiến trúc công trình tại các vùng đô thị và nông thôn theo hướng kiến trúc sinh thái đơn giản, chúng ta nên đồng thời nghiên cứu và ứng dụng một số công trình trọng điểm theo hướng kiến trúc sinh thái công nghệ cao.

 src=

Trên cơ sở hai bước đi cẩn trọng chắc chắn đó, chúng ta sẽ cố gắng tạo dựng cho mình một nền kiến trúc lành mạnh – Kiến trúc sinh thái chiết trung : sử dụng công nghệ vật liệu mới, kỹ thuật xây dựng cao, kết hợp với kinh nghiệm xây dựng truyền thống cha ông trong cách ứng xử hợp lý hài hòa với thiên nhiên, khí hậu và môi trường.

Điểm lại một số công trình, dự án chúng ta có trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng này qua các vườn treo trên các cao ốc, qua các vườn trống ở tầng 1, nơi giao tiếp với cộng đồng, nơi xóa nhòa ranh giới bên trong và bên ngoài công trình. Những khoảng không giữa hai lớp kính bao che tường ngoài để tăng hiệu quả thông gió tự nhiên theo chiều đứng, những khu vườn đục thông ở các tầng so lệch nhau tạo luồng thông gió tự nhiên theo chiều ngang, những bề mặt hấp thu năng lượng mặt trời và năng lượng gió (vốn là thế mạnh của các nước nhiệt đới) đang gặp thường xuyên trong các đồ án tại các cuộc thi và cả trong một số dự án đang thực hiện. Đó là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc tìm kiếm không biết mệt mỏi một nền kiến trúc Việt có cái riêng để nhận diện, để tự hào.

 src=

Nói về kiến trúc sinh thái ở Việt Nam không thể không nhắc đến KTS trẻ Võ Trọng Nghĩa - các công trình của anh với vật liệu tự nhiên tre, trúc, rơm, rạ… hồn nhiên mọc lên từ đất, “sống” nhờ gió và nước mang đậm tư tưởng sinh thái làm ta nhớ tới câu nói của Good.A -  nhà nghiên cứu sinh thái người Mỹ: “Cái hồn của công trình kiến trúc phải sinh trưởng một cách tự nhiên từ đất và đậu nhẹ nhàng lên cảnh quan”. 

Rất nhiều giải thưởng quốc tế có uy tín đã được trao tặng cho các tác phẩm nhỏ về quy mô xong lớn về “tầm vóc” của anh như : Giải Nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế ở Mỹ cho các công trình bằng tre 2007; Giải Bạc Holcim châu Á Thái Bình Dương 2008; Giải Bạc Holcim Toàn cầu 2009; Giải thưởng Kiến trúc Thế giới IAA 2009 cho “Bar Gió và Nước” và “Trung tâm văn hoá cà phê Trung Nguyên”. Phải chăng đó là sự xác nhận Kiến trúc sinh thái là hướng đi đúng đắn của kiến trúc thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, là sự tôn vinh và khích lệ tài năng, sức sáng tạo của KTS trẻ Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là đại diện tiêu biểu

Tìm một con đường, tìm một lối đi cho sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập của thế kỷ 21 cần một tầm nhìn chiến lược, cởi mở và tích cực, trong đó vai trò định hướng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng một nền kiến trúc tiên tiến hiện đại mang đặc trưng truyền thống dân tộc - Nền Kiến trúc sinh thái Việt Nam.

 src=  src=

GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu

Chồng cũ HH Diễm Hương xây trái phép 13000 căn hộ ở Thủ Thiêm Phong thuỷ phòng khách (Phần 4): Dành cho người mệnh Thổ